Trung thu nhất định về Tuyên Quang ăn gỏi cá bỗng, uống rượu ngô, tắm bùn khoáng
Mùa thu là là hương cốm, lá vàng, là hương ổi, là sương sớm. Những hình ảnh đó đã gắn liền với biết bao thế hệ người Việt Nam. Nhưng điều đặc biệt nhất ở mùa này có lẽ là ngày Tết trung thu. Hôm nay mới là ngày 2/8 âm lịch nhưng hoạt động rước đèn vui trung thu của người dân Tuyên Quang đã diễn ra rất náo nhiệt
Về nguồn gốc của Tết Trung Thu còn chưa thực rõ ràng. Bà kể cho cháu nghe, mẹ kể cho con nghe mỗi đêm rằm tháng 8 về câu chuyện : “Chú Cuội cung trăng”, hay về Hằng Nga và Hậu Nghệ, về vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng. Nguồn gốc của Tết Trung Thu lại lẫn vào màn sương mờ của sự tích, truyền thuyết, huyền thoại, khiến các em nhỏ càng háo hức trông đợi mỗi dịp Trung thu về. Nhiều nhà khoa học lại cho rằng: những hình ảnh đầu tiên của Tết Trung Thu xuất hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Và người ta tin rằng Tết Trung Thu kết tinh từ nền văn minh đồng bằng châu thổ sông Hồng với hình thức đầu tiên là mừng cho mùa màng bội thu.Nhưng dẫu bắt nguồn từ đâu, và có từ bao giờ thì tết Trung Thu từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức, trong hoạt động sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người Việt Nam xưa và nay, trở thành một phong tục đẹp đẽ, đáng tự hào của dân tộc ta.
Tết Trung Thu sở dĩ đáng được mong chờ bởi nó có nhiều hoạt động vô cùng hấp dẫn. Nếu như trước tết Nguyên Đán người ta rậm rịch lên lửa gói bánh, luộc bánh chưng, giã bánh giày thì trước mấy ngày đến Tết Trung Thu, đi trên khắp nẻo đường phố, ngõ xóm đều có thể nghe nức mùi bột bánh nướng bánh dẻo chuẩn bị cho Trung Thu. Người ta nô nức làm bánh, mua bánh, tặng bánh cho nhau. Những chiếc bánh vuông vắn, ngọt vị mứt, bùi bùi vị thịt và thơm mùi lá chanh khiến cho cái Tết càng trở nên ngọt ngào, ấm áp. Bên cạnh bánh trung thu, món quà người lớn thường tặng cho trẻ em là đồ chơi. Chúng thường là những mặt nạ có hình thù ngộ nghĩnh hay những chiếc đèn lồng, đèn kéo quân sáng rực, xinh xắn. Ngoài làm bánh, tặng quà cho nhau, thì nhà nhà người người đều làm đèn lồng để treo trước cửa nhà mình và chỉ cách ngày rằm khoảng 2 tuần thôi mà chạy dọc các đường phố đều có treo đèn lồng sáng rực. Trên các đường phố có nhiều em nhỏ đến từng ngôi nhà, gõ cửa múa lân hay nhảy múa, biểu diễn văn nghệ để xin những đồng tiền lấy may hay những cái bánh cái kẹo ngọt ngào.Không khí trước Tết trung thu xôn xao náo nức nhắc nhở mọi người ai ở phương xa cũng trở về gia đình để đón cái Tết đoàn viên thật ấm áp. Trong ngày Tết Trung Thu các hoạt động lại càng sôi nổi hơn thế. Trăng tròn vành vạnh lên cao, tỏa ánh sáng dịu dàng mát rượi khắp muôn nơi. Và dưới ánh trăng, người ta bày cỗ, phá cỗ linh đình. Xung quanh mâm cỗ các em nhỏ nắm tay nhau nhảy múa hát ca với những chiếc đèn lồng trong tay ,Và được mong chờ nhất là màn múa lân. Một người đội mũ sư tử và nhiều người đi theo sau được hóa trang một cách hài hước nhảy theo tiếng trống Bao giờ cũng vậy, màn múa lân luôn mang đến niềm hân hoan cho những em nhỏ và niềm vui cho mọi người.
Tết Trung Thu có rất nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là ngày đoàn viên, hội ngộ, ngày mà mọi người được quay quần sum vầy bên nhau bên mâm ngũ quả, thưởng thức những chiếc bánh trung thu; ngày trẻ em được cùng nhau nô đùa thỏa thích được ăn bánh kẹo, được nhận nhiều đồ chơi mà còn là một nét vẽ không thể thiếu trong bức tranh văn hóa Việt.
Tuyên Quang sở hữu nhiều tiềm năng du lịch hội tụ với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa tâm linh và ẩm thực rất hấp dẫn. Đến với Tuyên Quang chắc chắn các bạn sẽ không thể bỏ qua vẻ đẹp thơ mộng của Thác Bản Ba, vẻ hoang sơ huyền bí của hồ Na Hang, vẻ đẹp hùng vĩ của Thác Mơ hay đắm mình trong làn nước khoáng nóng tự nhiên Mỹ Lâm vô cùng sảng khoái. Tuyên Quang còn được biết đến với khu di tích lịch sử Tân Trào, thủ đô kháng chiến trong những năm chống thực dân Pháp. Cách thành phố Tuyên quang chừng 40km các bạn có thể ngược dòng lịch sử đến thăm thủ đô khu giải phóng để hiểu hơn về trang lịch sử hào hùng của dân tộc.
Tuyên Quang cách Hà Nội 165km về phía Bắc, một khoảng cách không quá xa cho những chuyến đi ngắn ngày, Từ Hà Nội các bạn có thể di chuyển đến Tuyên Quang bằng oto, xe khách với giá vé khoảng 80.000đ/lượt. Còn đối với những bạn trẻ yêu thích đi phượt bằng xe máy, các bạn có thể đi theo đường quốc lộ 2 để cảm nhận được sự thay đổi từ vùng đồng bằng, qua trung du và đến vùng núi Tuyên Quang cũng khá là thú vị.
Dịch vụ nhà hàng, khách sạn tại Tuyên Quang rất đa dạng với mức giá cả hợp lý. Tuy nhiên vào những ngày chính hội Trung thu giá phòng khách sạn có thể sẽ cao hơn 1 chút so với ngày thường vì lượng du khách đổ về Tuyên Quang khá đông, do vậy các bạn có thể liện hệ đặt phòng trước để nhận được những ưu đãi hấp dẫn và chỗ nghỉ ngơi thoải mái nhất.
Đến tuyên quang ngoài vui chơi lễ hội thì thưởng thức ẩm thực là sở thích của rất nhiều người. Ẩm thực Tuyên Quang đa dạng và phong phú với nhiều món ăn hấp dẫn mang đậm hương sắc của người miền núi. Gỏi cá bỗng sông Lô, bánh nếp nhân trứng kiến của người Tày ở Chiêm Hóa, ngô nếp Soi Lâm hay bánh gai Chiêm Hóa là những món ăn hấp dẫn mà các bạn không thể bỏ qua khi đến Tuyên Quang. Đặc biệt thiên nhiên còn ưu đãi cho vùng núi cao Na Hang một nguồn nước tươi mát, những hạt ngô núi căng mẩy và các loại thảo dược quý hiếm để tạo nên một loại rượu làm say đắm lòng người. Bên bếp lửa bập bùng đốt cơm lam, nấu xôi ngũ sắc, được thưởng thức thịt lợn đen, thịt trâu gác bếp cùng những chén rượu ngô cay nồng chắc chắn sẽ là những khoảnh khắc in đậm trong mỗi du khách khi đến Tuyên Quang.
Tết trung thu đang đến rất gần rồi, và không khí đón lễ hội tại Tuyên Quang cũng đang diễn ra vô cùng tưng bừng, náo nhiệt. Duyanhgroup.com mời các bạn trên khắp mọi miền đến thăm và thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất vùng núi này.
Tag:
Tin nổi bật
-
Thông báo tuyển dụng năm 202028/10/2020